MỘT BÀI GIẢNG KHÔNG ĐƯỢC SOẠN TRƯỚC
Đưa tiễn một người thân yêu qua đời là kinh-nghiệm của hầu hết mọi người sống trên thế gian nầy. Riêng đối với tôi thì người thân yêu đầu tiên đó chính là Cha mình. Ông là người mà tôi đã giúp đỡ để có thể xưng nhận danh Chúa ở trước mặt nhiều người bà con. Dù vậy, trước sự chống đối kịch liệt của Mẹ tôi lúc đầu, ông chỉ muốn giữ đức tin trong lòng để cho gia đình được hòa thuận.
Một người chăn bầy chân thật
Khi ông qua đời thì tấm lòng tôi trống trải không thể tưởng-tượng được. Tôi không bao giờ quên rằng mình đã leo lên chiếc xe đạp mini và đạp một mạch tới nhà thờ Nguyễn-Tri-Phương với tâm hồn đau nhói. Con đường sao mà dài quá, mặc dù biết rằng chỉ 20 phút là đến nơi, nhưng chưa bao giờ mà tôi thấy nó lại dài đến như vậy. Nhưng tôi không đến nhà thờ Nguyễn-Tri-Phương mà đến một căn nhà bên cạnh nhà thờ, là nơi mà Nhà truyền-đạo Dương Đức Hiền đang cư ngụ.
Những ngày đó, tôi đang nhóm cố định ở nhà thờ Trương-Minh-Giảng và anh Dương Đức Hiền thì chỉ mới về đó làm quản nhiệm được một vài năm. Khi anh mới đến thì nhà thờ vẫn còn chưa được xây lại và rất nhỏ bé. Nhưng chức vụ của anh đã kết quả một cách lạ lùng đến nỗi sau khi nhà thờ đã được xây sửa lại cho rộng hơn gấp bội, thì vẫn không chứa hết những người đến nhóm. Vì vậy, Hội thánh đã phải chia ra làm hai lễ nhóm vào mỗi buổi sáng Chúa nhật, đó là chưa kể tới buổi nhóm tối. Nhưng trong lúc Hội thánh đang bối rối và mừng rỡ vì số lượng người đến nhóm vẫn gia tăng và có thể sẽ chia ra làm ba lễ nhóm vào mỗi sáng Chúa nhật, thì có một sự việc đã xảy ra: Nhà cầm quyền đã dọa rằng họ sẽ bắt Nhà truyền đạo nếu anh còn bước tới Nhà thờ để giảng dạy. Mặc dù anh đã được Tổng-liên-hội bổ nhiệm, nhưng chỉ vì gia đình anh chưa có hộ khẩu tại Nhà thờ, nên họ cho rằng anh không được làm người Quản nhiệm Hội-thánh. Đó chỉ là việc làm đương nhiên của một Nhà cầm quyền vô thần, khi họ nhìn thấy Hội-thánh đang phát triển.
Mặc dù vậy, tôi vẫn tìm đến anh vì biết rằng anh thật sự là người chăn chiên của Đức Chúa Trời. Đời sống và chức vụ đầy ơn của anh đã khiến cho vô số thánh đồ yêu mến anh, còn tôi thì xem anh như một người anh vậy. Khi tấm lòng chúng ta bị tan vỡ, chúng ta thường muốn dựa vào những người mà chúng ta tin cậy, và không quan tâm tới tổ-chức của Giáo-hội.
Khi thấy tôi khóc và nói với anh về việc người Cha mới qua đời, thì anh có vẻ hơi ngạc nhiên, nhưng anh cũng đã nhẹ nhàng an-ủi tôi. Nhưng tôi thật sự không biết rằng mình đã làm cho anh hơi bối rối, vì anh không còn tư cách của một người Quản-nhiệm nữa. Dù vậy, anh vẫn đi ngay đến nhà tôi để chia buồn và cũng để nói rằng anh không còn thẩm quyền về mặt tổ chức của Hội thánh nữa. Thay vào đó, anh đã giới thiệu Ban trị sự của Hội thánh Trương Minh Giảng với tôi, và cầu nguyện để tang lễ được diễn ra cách tốt đẹp. Cảm tạ Đức Chúa Trời, mặc dù Hội-thánh không có người Quản-nhiệm, nhưng Ngài đã dùng các thánh đồ để đem lại nhiều sự an ủi cho gia đình tôi.
Những sự an-ủi sâu xa
Thật lòng mà nói, tôi cứ nghĩ rằng những người sẽ đem lại sự an-ủi cho tôi nhiều nhất, là đám bạn thợ mộc mỗi ngày vẫn làm việc bên cạnh mình. Tôi nghĩ rằng dẫu tình anh em trong Chúa là thiêng liêng, nhưng những người mà mình được gặp mỗi ngày thì vẫn là thực tế hơn. Chiều hôm đó họ ghé lại nhà tôi rất đông để viếng tang lễ, có lẽ là gần hết cả Phân-xưỡng, nhưng tôi phải lấy làm ngạc nhiên và không thể hiểu được tại sao lòng mình lại cảm thấy một sự an ủi rất hời hợt …?
Rồi trong những ngày sau đó, tôi lại cảm thấy ngạc nhiên vì sự thăm viếng của mỗi con cái Chúa đã đem lại cho tôi một sự an-ủi có chiều sâu hơn. Ban đầu thì tôi chưa nhận ra điều đó, nhưng kinh nghiệm ấy mỗi ngày một rõ dần và cuối cùng thì nó đã được xác định một cách dứt khoát. Tới chừng đó tôi mới hiểu rằng chỉ ở trong Chúa mới có những sự an-ủi sâu xa. Phải, nó sâu xa cho tới tâm linh mà những người ngoại không thể nào đem đến được.
Một hình ảnh mà tôi không thể quên, đó là anh Nguyễn Đình Cân, cứ mỗi sáng sớm là anh đạp xe đến – thay vì phải đạp xích-lô để nuôi sống gia đình chung – và anh dành rất nhiều thì giờ để ngồi ở nhà tôi trong suốt những ngày diễn ra tang lễ. Anh nói rất ít, nhưng có lẽ anh biết rằng sự có mặt của anh là một niềm an ủi rất cần đối với tôi, mà thật sự nó là như vậy.
Một hình ảnh khác mà tôi lấy làm quí trọng và khó quên nhất, ấy là khi cô Đặng Thị Mỹ Hạnh mặc áo dài và đi xe đạp đến nhà tôi để viếng lễ tang. Cô là một người thuộc về Chúa trước tôi và cũng khá nổi tiếng vì là bè trưởng của giọng alto trong ca đoàn Sinh viên Tin-lành khi trước. Lúc ấy cô đang làm giáo viên và cũng là một người bạn đồng khóa khi chúng tôi còn học trong Cao-đẳng sư phạm. Chính sự an-ủi sâu xa lần nầy, giống như một giọt nước làm tràn chiếc ly đang đầy, đã giúp cho tôi nhìn thấy rõ được vấn đề.
Chúng tôi bị bỏ rơi
Dù vậy, vẫn có những điều đáng tiếc xảy ra về phía Ban trị sự Trương Minh Giảng, và gia đình tôi đã phải chịu dựng nhiều cú sốc, vì họ vẫn chưa phải là những người có tâm linh trưởng thành … Nhưng có một điều rất đáng khen là sau tang lễ, họ đã trở lại và hết lòng xin lỗi gia đình chúng tôi … Đó thật là những người con của Chúa vậy!
Vào ngày cuối cùng của tang lễ, khi tôi đưa linh-cữu của cha mình đến nơi lò thiêu tại Thủ-đức, thì bất ngờ đã có một trục trặc xảy ra. Ban trị sự của Hội-thánh Trương Minh Giảng đã đồng tình bỏ rơi chúng tôi vào giai đoạn cuối mà không hề báo trước. Chúng tôi không hề biết chuyện gì đã xảy ra lại khiến cho họ có một quyết định sai lầm đến thế. Bởi vì dẫu những người ngoại có lương tâm, thì họ cũng không nỡ bỏ rơi người khác ở dọc đường. Đó là một vết nhơ mà Ban trị-sự Trương Minh Giảng đã gây ra và không bao giờ có thể biện hộ được.
“Niềm hoan-hỉ của những Cơ-Đốc-nhân khi đối diện với ngưỡng cửa đời đời”
Khi thấy tôi chờ đợi cách sốt ruột, người Chị kế đã lại gần và nói với tôi rằng: “Họ không đi lạc đường đâu em, nhưng chắc là họ sẽ không tới đâu, … chị thấy họ có nói nhỏ với nhau chuyện gì …”. Tôi đáp rằng: “Chúng ta sẽ chờ đợi thêm 15 phút nữa, nếu họ không tới thì chúng ta sẽ tiếp tục cử hành tang lễ”. Thời gian trôi qua đã gần tới phút thứ 15, tôi bèn nói với một người bạn thân đứng bên cạnh là anh Nguyễn-Trọng, rằng: “Nếu chúng ta cử hành lễ thì anh sẽ giảng nhé!” Người ấy suy nghĩ khoảng 10 giây và sau đó đã nói với tôi rằng: “Không, anh cứ giảng đi, tôi sẽ cầu nguyện cho anh!” Lúc ấy tôi vẫn chưa thấy rõ có sự sống nào dấy lên trong lòng mình hay không. Tôi chỉ biết rằng mình phải giảng, vì không có cách chi khác được. Mặc dù ơn rao giảng vẫn ở trong tôi, nhưng tôi lại hoàn toàn không có một sự chuẩn bị chi hết.
Tôi bắt đầu tang lễ bằng cách mời một người bạn cầu nguyện, các bạn tôi đều đứng ở bên cạnh tôi và bàn tay của họ dường như cũng nắm lấy tay tôi. Nhưng khi tôi bắt đầu rao giảng thì lạ quá, một sự sống đã dấy lên trong tâm hồn tôi và kèm theo một đề tài là “Niềm hoan hỉ của những Cơ Đốc Nhân khi đối diện với ngưỡng cửa đời đời”. Nhơn sự qua đời của Ba tôi, nên trong bài giảng đó, tôi đề cập tới các thánh tuận đạo trong Hội-thánh đầu tiên. Điều gì đã khiến cho họ không sợ chết? Điều gì đã khiến cho họ có thể yêu thương và tha thứ cho những kẻ thù ghét mình? Điều gì đã khiến cho họ hát lên những bài thánh ca đầy hi vọng, khi đối diện với ngưỡng cửa đời đời? Tất cả là vì họ đã nhận được tình thương của Chúa nơi đồi Gôgôtha, cho nên họ vui lòng mà vác thập tự giá đi theo Ngài và hãnh diện khi phải chịu khổ vì cớ Ngài. Đối với họ, cái chết chỉ là một bước để dẫn vào sự sống, cho nên họ đã đối diện với nó với một tấm lòng đầy hoan hỉ … Trước khi tôi giảng thì có nhiều tiếng ồn ào của kẻ đi người lại, nhưng khi tôi bắt đầu giảng thì tiếng ấy nhỏ dần cho đến khi tắt hẳn. Tôi càng giảng càng được thêm sức và tất cả những người xung quanh đều ngưng hết công việc để lắng nghe. Tôi giảng thật mạnh mẽ theo như sự sống đang dấy lên trong lòng mình và những người nghe lắng tai đến nỗi chỉ cần một con ruồi bay ngang qua thì bạn cũng có thể biết được. Bài giảng ấy không kéo dài lắm, nó chỉ gói gọn trong khoảng 15 phút mà thôi. Nhưng nó lại đầy tràn sự sống mà cho đến hơn 20 năm sau, dù cho có giảng qua rất nhiều bài trong Kinh-thánh, nhưng tôi vẫn chưa bao giờ kinh nghiệm lại được một bài giảng giống như vậy.
Chỉ có một điều đáng tiếc là không có ai kêu gọi người ta tin nhận Chúa. Tôi biết rằng công việc của mình chỉ tới đó và không dám cố gắng để nói thêm một điều gì. Dù vậy, tôi được biết có một người ngoại nói rằng: “Tang lễ của những người Tin-lành sao mà hay quá! Không có gì buồn bã cả! Tôi sẽ về nhà thuyết phục người thân của tôi, để họ cũng theo đạo Tin-lành nữa …” Tôi chỉ biết một điều rằng những lời đã được phát ngôn bởi Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ vô ích, nhưng nó sẽ luôn có kết quả vào đúng thời điểm Chúa muốn (Êsai 55:10-11).
Tất cả các bạn tôi đều thỏa lòng về buổi lễ và kể cả gia đình tôi cũng vậy. Chúng tôi được an ủi lớn lắm vì đã nghe được lời sự sống của Đức Chúa Trời và buổi lễ đã được kết thúc cách tốt đẹp.
Nhưng khi chúng tôi vui vẻ trở về thì lại gặp Ban trị-sự Hội-thánh ở gần nhà chúng tôi. Họ có vẻ hổ thẹn vì đã định “chuồn êm” nhưng lại không lấy xe được. Vì vậy mà họ buộc lòng phải ra quán cà phê và ngồi chờ chúng tôi trở về. Chúng tôi vẫn vui vẻ khi gặp họ. Phước hạnh mà Chúa đã đổ xuống trên chúng tôi vẫn còn lưu lại lâu dài trong những ngày sau đó.
Please log in to like, share and comment!