Tiểu Sử Bài Thánh Ca 102 "Thập Tự Xưa"

Trích Từ Thư Viện Tin Lành: https://www.wiki.thuvientinlanh.org/index.php?title=Thập_Tự_Xưa_-_The_Old_Rugged_Cross

image
Slide Show

 

Với trách nhiêm của một nhà truyền giảng lưu động, Mục sư George Bennard thường đến giảng tại nhiều hội thánh. Vào đầu thế kỷ 20, những người theo khuynh hướng tự do tìm cách đả phá niềm tin Cơ Đốc. Trước làn sóng tấn công từ bên ngoài, một số tín hữu thiếu hiểu biết Kinh Thánh dao động, Mục sư George Bennard tìm cách giúp các tín hữu hiểu rõ điều mình tin và giữ vững đức tin.

Vào thế kỷ thứ nhất, khi đối diện với những quan điểm sai lầm trong niềm tin Cơ Đốc, Sứ đồ Phao Lô đã viết: “Nguyện tôi không tự hào về điều gì ngoại trừ thập tự của Đức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta; nhờ đó đối với tôi, thế gian đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy” Ga-la-ti 6:14. Noi gương Sứ đồ Phao Lô, Mục sư George Bennard đã dành thì giờ suy nghiệm chân lý cứu rỗi qua sự hy sinh của Đức Chúa Jesus trên thập tự cho chính mình. Từ kinh nghiệm cá nhân, Mục sư George Bennard chia sẻ niềm tin đó cho những người chưa biết Chúa và khích lệ những người đã tin Chúa.

Trong các bài giảng, Mục sư George Bennard thường trích dẫn câu Kinh Thánh Giăng 3:16 – “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” Mục sư George Bennard cho biết mỗi lần suy gẫm câu Kinh Thánh Giăng 3:16, ông lại học được nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn – đặc biệt trong những lúc ông phải đối diện với khó khăn. Mục sư George Bennard nói thêm mỗi lần đọc lại câu Kinh Thánh này, tâm trí ông thường hình dung một cây thập tự, không phải cây thập tự bằng vàng hay bạc, nhưng là một cây thập tự cũ kỹ thấm máu của Chiên Con Đức Chúa Trời.

Mùa thu năm 1912, tại Albion, Michigan, trong thời gian suy niệm về thập tự, Mục sư George Bennard được thúc giục sáng tác một thánh ca. Mục sư George Bennard cho biết chỉ trong vài phút, giai điệu của bài hát được hoàn tất. Tuy nhiên, về lời ca ông chỉ viết được vài dòng; trong đó câu “I’ll cherish the old rugged cross” cứ lập đi lập lại nhiều lần. Trong vài tuần kế tiếp, Mục sư George Bennard cố gắng viết và sửa lại phiên khúc đầu tiên của bài thánh ca.

Cuối năm 1912, Mục sư George Bennard được mời đến giảng cho Hội Đồng Bồi Linh tại Sawyer Friends Church ở Sturgeon Bay, Wisconsin, nơi Mục sư Frank McCann quản nhiệm. Hội đồng được tổ chức từ ngày 29/12/1912 đến ngày 12/1/1913. Tại hội đồng này, Mục sư George Bennard hoàn tất bản thảo đầu tiên của bài thánh ca The Old Rugged Cross. Đêm bế mạc hội đồng, Mục sư George Bennard cùng với Ed E. Mieras hát bài thánh ca này. Đây là lần đầu tiên thánh ca The Old Rugged Cross được giới thiệu cho công chúng. Mục sư George Bennard và Ed E. Mieras vừa hát vừa đệm đàn guitar; người phụ họa đàn phong cầm là Pearl Torstensen Berg. Theo tin tức của báo Door Co. Dem. phát hành ngày 17/1/1913 tại Sturgeon Bay, hội đồng kết thúc gần 12 khuya. Đêm hôm đó có 148 người tin nhận Chúa.

Trong những tháng kế tiếp Mục sư George Bennard tiếp tục sửa lại lời thánh ca. Cuối tháng 5/1913, Mục sư George Bennard được Mục sư Leroy O. Bostwick mời tham dự chương trình truyền giảng kéo dài hai tuần tại Pokagon, một thị trấn nhỏ thuộc miền tây nam của tiểu bang Michigan.

Trong những ngày tham dự hội đồng, Mục sư George Bennard đã tạm trú tại nhà ông bà Mục sư Leroy O. Bostwick. Như các diễn giả cho hội đồng, Mục sư George Bennard thường dành thì giờ cầu nguyện. Sau một lần tĩnh nguyện, ý tưởng về bài thánh ca lại tuôn tràn. Mục sư George Bennard vội vàng ghi lại cả bốn phiên khúc và điệp khúc của bài thánh ca. Bản hiệu đính của thánh ca The Old Rugged Cross được hoàn tất tại nhà của Mục sư Leroy O. Bostwick.

Ngày 7/6/1913, lời thánh ca hiệu đính của The Old Rugged Cross được trình bày tại First Methodist Episcopal Church ở Pokagon, là hội thánh do Mục sư Leroy O. Bostwick quản nhiệm. Năm người hát thánh ca tại hội đồng là Frank Virgil, Oliver Mars, Clara Virgil, William Thaldorf và Florence Jonen. Trong lần công diễn này, Mục sư George Bennard mời hội chúng ghi lại lời thánh ca và sau đó cùng hát với những người hướng dẫn. Bài thánh ca The Old Rugged Cross được những người tham dự hội đồng hoan nghênh. Vợ của Mục sư Leroy O. Bostwick đã xin phép cho bà được vinh dự góp phần trả tiền làm bản kẽm để in thánh ca. 

Mặc dầu được nhiều người hoan nghênh, Mục sư George Bennard vẫn không thỏa lòng với lời thánh ca mà ông đã viết. Sau hội đồng tại Pokagon, Mục sư George Bennard tiếp tục đến truyền giảng tại một số hội thánh thuộc tiểu bang New York. Tạ ơn Chúa! Các chương trình truyền giảng này có nhiều người tiếp nhận Chúa. Mục sư George Bennard chứng kiến nhiều tấm lòng tan vỡ khi cảm nhận được tình yêu thể hiện qua sự hy sinh của Đức Chúa Jesus trên thập tự.

Trở về lại Albion, Michigan, vẫn còn xúc động với những kinh nghiệm phước hạnh từ những hội đồng tại New York, một lần nữa Mục sư George Bennard viết lại phiên khúc của bài thánh ca. Những lời hát mà ông đã trăn trở mấy tháng nay sửa vẫn chưa xong, giờ đây tuôn chảy thật dễ dàng. Mục sư George Bennard cho biết ông viết lại lời thánh ca thật nhanh và chỉ sửa có một chữ. Mục sư George Bennard đã hoàn tất lời thánh ca The Old Rugged Cross như chúng ta có ngày hôm nay.

Sau khi viết xong cả nhạc và lời, Mục sư George Bennard gởi bài thánh ca đến cho Charles H. Gabriel, một nhà biên soạn thánh ca nổi tiếng tại Chicago, để nhờ Charles H. Gabriel soạn hòa âm. Charles H. Gabriel viết hòa âm cho The Old Rugged Cross rồi gởi bản nhạc lại cho Mục sư George Bennard với dòng chữ “You will hear from this song.”

Mặc dầu The Old Rugged Cross được nhiều người yêu thích, trong vài năm đầu thánh ca chỉ phổ biến giới hạn tại một số hội thánh thuộc vùng Trung Tây Hoa Kỳ. Bài thánh ca được phổ biến rộng rãi sau kỳ hội đồng tại Chicago Evangelistic Institute. Đại biểu từ nhiều tiểu bang đến tham dự hội đồng tại Chicago Evangelistic Institute sau khi nghe bài thánh ca đã giới thiệu The Old Rugged Cross đến các hội thánh ở xa. Một thời gian sau, Homer Rodeheaver, người đặc trách âm nhạc cho nhà truyền giảng Billy Sunday, đã mua lại quyền phát hành bài thánh ca The Old Rugged Cross với giá $500. Qua hệ thống phát thanh của nhà truyền giảng Billy Sunday, thánh ca The Old Rugged Cross được loan truyền khắp Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới.

Sau khi sáng tác The Old Rugged Cross, Mục sư George Bennard tiếp tục hầu việc Chúa thêm 45 năm nữa với Hội Thánh Tin Lành Giám Lý. Trong thời gian này, ông đã sáng tác hơn 350 bài thánh ca nhưng không thánh ca nào để lại ảnh hưởng sâu đậm như The Old Rugged Cross, là thánh ca mà Mục sư George Bennard nói ông chỉ ghi lại những gì Chúa muốn ông viết.

Mục sư George Bennard về với Chúa vào ngày 10/10/1958 tại Reed City, Michigan. Thi hài ông được an táng tại nghĩa trang Inglewood Park Cemetery, Inglewood, California. Sau khi Mục sư George Bennard về với Chúa, những địa phương nơi ông đã sinh sống hay hầu việc Chúa như Albion, Pokagon, và Reed City, đã thành lập những bảo tàng để lưu giữ những tài liệu liên hệ đến Mục sư George Bennard và nguồn gốc của bài thánh ca The Old Rugged Cross.

Năm 1959, khi biết tin quê hương của Mục sư George Bennard dự định thành lập bảo tàng tưởng niệm, Tổng Thống Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower đã viết: “Dự án thành lập nơi tưởng niệm Mục sư George Bennard, tác giả của thánh ca The Old Rugged Cross, và là công dân của quý thị trấn là điều rất tốt. Bài thánh ca này mang số 296 trong Thánh Ca của Lục Quân và Hải Quân. Tôi biết bài thánh ca đã được hát, rất được yêu thích và đã làm mạnh mẽ đức tin của nhiều người.” Mục sư Normal Vincent Peale, một nhà văn và là nhà tư tưởng có nhiều ảnh hưởng, cho biết: “Thánh ca The Old Rugged Cross của Mục sư George Bennard là một trong những thánh ca tuyệt vời nhất đã để lại những ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống tâm linh của tôi.” Mục sư Tiến sĩ Billy Graham nhận định về Mục sư George Bennard như sau: “Chỉ có cõi đời đời mới tiết lộ đầy đủ cống hiến vĩ đại mà Mục sư George Bennard đã làm cho vương quốc của Đức Chúa Trời qua việc cống hiến những tài năng của ông, và đặc biệt qua bài thánh ca The Old Rugged Cross.”

Thập Tự Xưa

1. Thập Tự xưa sừng sững cao,

Dựng tận trên sườn núi xa,

Như tiêu biểu cho muôn sầu khổ sỉ nhục.

Lòng tôi yêu thập giá xưa,

Nơi Vua vinh diệu chí cao,

Thay nhân thế hư hoại chết cách đau thương.

2. Thập tự xưa hình xấu xa,

Toàn trần gian đều mỉa mai,

Nhưng thu hút tôi bằng tình yêu âm thầm.

Vì Chiên Con từ Chúa Cha,

Rời trời cao đầy hiển vinh,

Mang gian ác đau buồn ở Gô-gô-tha.

3. Thập tự xa lạ thuở xưa,

Chìm ngập trong giòng huyết thiêng,

Nhưng tôi thấy vẻ đẹp tuyệt đối cao trọng.

Vì tại trên thập giá xưa,

Jê-sus yên lặng khổ đau,

Ðem tha thứ nguyên lành đến cho chính tôi.

4. Từ nay trung thành mãi luôn,

Phục tại chân thập giá xưa,

Vui mang hết bao điều nhục nhã khinh bạc.

Ngày tương lai bừng sáng tươi,

Jêsus kêu gọi chính tôi,

Hân hoan sống trong nguồn ánh sáng vinh quang.

Điệp Khúc:

Lòng tôi say mê bóng dáng thập tự xưa.

Vui lòng đầu phục, tận hiến cả cuộc đời.

Lòng ôm ấp mối quyến luyến với thập tự.

Sẽ biến nên mão vinh diệu cho chính tôi.

 

339 Views
List Tabs
First Panel
Scroll
Display By Row